Bật mí quy trình sản xuất giấy sắc.

Loại giấy được sử dụng để viết sắc phong là giấy Nghè – giấy sắc. Để có độ bền lên tới hàng trăm năm, giấy Nghè được làm hoàn toàn thủ công với quy trình cực kỳ chặt chẽ.

1, Nguồn gốc tên gọi giấy Nghè.

Giấy để làm sắc phong là 1 loại giấy vô cùng đặc biệt, được làm hoàn toàn thủ công từ vỏ cây dó gọi là giấy Nghè. Sở dĩ có tên gọi là giấy Nghè bởi vì giấy được làm ở làng Nghè thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

Nghề giấy ở làng Nghè, Nghĩa Đô, Cầu Giấy đã được ghi lại trong gia phả khá rõ ràng là có từ thời vua Lê, chúa Trịnh. Theo gia phả của dòng họ Lại, giấy sắc là sản phẩm độc quyền của họ Lại ở Nghĩa Đô. Các tổ ở Nghĩa Đô vốn là con cụ tổ Lại Thế Giáp. Tổ Thế Giáp lấy con gái chúa Trịnh Tráng, tên là Phi Diệm Châu, hiệu Từ An.

Xem thêm >>> Sắc phong là gì? Tìm hiểu về các đạo sắc phong

2, Các loại sắc phong

Sắc phong Việt Nam gồm hai loại chính:

giấy sắc, quy trình làm giấy sắc
Phôi sắc Tự Đức
  • Sắc phong thần, tức là sắc phong của vua cho các vị thần linh đang được dân gian thờ phụng tại làng xã trong các đình, miếu, từ đường…
  • Sắc phong chức tước, là loại sắc phong của vua dành cho quý tộc, những quan chức có công trạng với vương triều.

Sắc là văn bản do vua ban hành có hai mục đích chính:

  • Thứ nhất, dùng để ra lệnh cho các nha môn và thần dân thực hiện các nhiệm vụ công tác và các việc cụ thể thuộc lĩnh vực quản lí nhà nước. Ví như, tháng 12 năm Đinh Hợi (1467) vua Lê Thánh Tông “Sắc cho Bộ Hộ khai trương đắp đập, không được để đông ruộng nắng hạn hay khô cạn”.
  • Thứ hai, giấy sắc phong là để thể hiện quyết định của nhà Vua về tổ chức nhân sự (tuyển bổ, ban phong phẩm hàm, khen thưởng).

           + Cáo sắc là dùng để phong tặng cho các quan văn từ hàng ngũ phẩm, quan võ từ hàng chánh ngũ phẩm trở lên;

           + Sắc văn nguyên là Chiếu văn dùng để cấp cho quan võ tứ phẩm trở xuống;

           + Sắc thư được dùng để phong cấp cho các quan lại được giao nhiệm vụ quan trọng;

           + Sắc Phong thần là dùng để phong cho những người có công lao đối với đất nước được dân chúng các làng xã lập đền miếu thờ cúng. 

Hoa văn trên giấy sắc: Hoa văn trên sắc phong tùy thuộc vào mục đích được ban hành của từng loại sắc cũng như tùy vào từng triều đại. Nhưng hoa văn chủ đạo là hình rồng, may và tứ linh.

Sắc phong hạng nhất cho bách quan xung quanh vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ 1 con rồng lớn, mặt sau vẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng). Sắc phong hạng nhì cho bách quan xung quanh vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước đôi rồng, mặt sau vẽ nhị linh (long, ly).

Các loại ấn triện được dùng để đóng lên sắc phong:

giấy sắc, quy trình làm giấy sắc
Ấn triện Sắc Mệnh Chi Bảo
  • Dấu triện Tiên nhu chi bảo.
  • Dấu Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo.
  • Dấu Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong Tặng Chi Bảo.

3, Quy trình làm giấy sắc.

Giấy sắc được làm hoàn toàn thủ công qua các công đoạn sau:

giấy sắc, quy trình làm giấy sắc
Người xưa làm giấy sắc
  • Ngâm Dó: lấy vỏ cây Dó mang về được ngâm nước lã 3 ngày, ngâm nước vôi 3 ngày;
  • Nấu Dó: Dó sau khi ngâm được đổ lên vạc đun cách thủy liền 4 ngày đêm. Khi vỏ dó chín, vớt ra đem ngâm nước vôi một lần nữa.
  • Tạo Bìa: Dó sau ngâm cho nát được bóc lấy phần ruột (gọi là Bìa), quẩy ra cối giã dó giã nát. Phần vỏ dó còn lại có màu trắng muốt, tinh khiết, được đem giã nhuyễn bằng cối lớn, chày tay.
  • Seo giấy: Hòa bột giấy trong bể lọc (gọi là tàu seo), dùng khuôn seo, trên đặt liềm seo (là loại mành rất nhỏ để lọc nước đi, giấy ở lại). Thợ seo vục nước vào khuôn, đung đưa cho nước róc hết, lột tờ giấy ướt trên seo đặt chồng lên nhau thành xếp. Đây là công đoạn đòi hỏi nhiều người cùng làm trên một khuôn seo. Giấy sắc dùng để phong sắc cho hàng nhất phẩm (phẩm trật hàng đầu) phải có 5 thợ cùng làm một lúc mới xeo nổi 1 tờ. Giấy để phong sắc cho hàng phẩm thấp hơn (từ nhị phẩm xuống cửu phẩm), khổ giấy hẹp, cũng phải 3 người thợ làm 1 tờ.
  • Ép uốn: Sau đó ép cho kiệt nước, rồi bóc ra từng tờ. Để tờ giấy không bị dính phải dùng những phụ gia.
  • Nghè giấy: Để giấy thật mịn, thật dai, mỗi tờ phải nghè cho thật kỹ (Đặt tờ giấy lên hòn đá tảng, dùng chày gỗ để nghè) . Những người có kinh nghiệm, sứ khỏe, khéo leo mới được đảm nhiệm công việc này. Khi tiếng chày giã đanh (tiếng nghè giấy từ “bộp …bộp” sang tiếng “boong…boong” mới đạt yêu cầu), giấy đã mỏng và bóng mới đạt.
  • Sấy giấy: rất cầu kỳ bằng các lò sấy thủ công. Quy trình trên mới sán xuất được giấy Dó (gọi là giấy mộc).
  • Giai đoạn sắc hóa: Khâu tinh xảo đòi hỏi tay nghề rất cao là phần vẽ rồng trên giấy Sắc – đây là công đoạn cuối cùng, khó nhất, cầu kỳ nhất và cũng là nghệ thuật nhất.

Trước hết, người thợ quét lên bề mặt giấy mộc một loại keo nấu từ da con Trâu để tăng độ dai của giấy và làm cho giấy không hút ẩm và chống mối mọt. Sau đó quét nước hoa hòe cho có màu vàng (màu vàng tươi hoặc đồng hun).

giấy sắc, quy trình làm giấy sắc
Nghệ nhân vẽ sắc

Khâu cuối cùng là vẽ hình long, ly, quy, phượng lên tờ giấy theo từng phẩm trật mà triều đình ban tặng. Quy trình này đòi hỏi các nghệ nhân vẽ bằng tay. Nghệ nhân giỏi nhất vẽ các đường nét phác họa (gọi là vẽ chạy), những người thợ khác vẽ các họa tiết cụ thể (gọi là vẽ đồ). Những người nghệ nhân xưa dùng bút lông và nguyên liệu mực vẽ là dung dịch có vàng và bạc để vẽ. Nghệ nhân làm giấy sắc luôn giữ bí quyết kỹ thuật “đánh vàng, đánh bạc”. Dụng cụ đánh vàng bạc là chầy và những cái bát lớn. Để giữ bí mật nghề nghiệp, các nghệ nhân thường làm công việc này ở nơi kín đáo nhất trong nhà, nhằm tránh người ngoài học lỏm. Điều này cũng là nguyên nhân nghề khó bảo tồn và phục dựng.

4, Kích thước của giấy sắc.

Tùy theo từng loại Sắc để có những quy định khác nhau về kích cỡ, màu sắc, họa tiết mà trang trí, trình bày họa tiết khác nhau. Sắc phong cho bách quan có ba hạng là Nhất cao sắc, Nhị cao sắc, Tam cao sắc (có tài liệu gọi là Nhất đẳng quan, Nhị đẳng quan và Tam đẳng quan). Sắc phong cho bách thần có ba hạng là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần.

Về kích thước, các đạo sắc phong đều có hình chữ nhật, phổ biến có chiều dài trong khoàng 119cm đến 140cm và rộng từ 44cm đến 53cm. Đặc biệt, sắc phong đời Cảnh Hưng hiện lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia có chiều dài 195cm, rộng 60cm.

Hi vọng bài viết của Thư viện Anvi đã phần nào giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về tờ giấy sắc. Qua đó thấy được sự vất vả, công phu để làm ra được 1 tờ giấy sắc phong.

Nguồn tham khảo:

1, Báo hà nội mới.

2, Thư viện Huệ Quang.

3, Báo pháp luật online – baophapluat.vn