QUY SƠN CẢNH SÁCH CÚ THÍCH KÝ – 溈山警策句釋記
- Năm khắc in: năm Duy Tân thứ 4 (Canh Tuất – 1910)
- Nơi tàng bản: Viên Minh Tự (Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Đông)
- Quy cách: toàn văn 2 quyển thượng, hạ đóng chung 1 tập
Quy Sơn Cảnh Sách là một quyển luận của Thiền sư Linh Hựu (771-853), ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9.
“Quy Sơn” là ngọn núi Quy, nơi Thiền Sư Linh Hựu giáo hóa bốn chúng. “Cảnh” là đánh thức những người đang mê chưa ngộ.
Do Ngài Linh Hựu ở tại núi Quy, người đương thời nể trọng đức hạnh không dám gọi tên, nên dùng tên núi để gọi Ngài, vì vậy Ngài có tên là Quy Sơn. “Quy Sơn Cảnh Sách” là luận Cảnh Sách của Ngài Quy Sơn.
Quyển luận này nhằm mục đích nhắc nhở người xuất gia phải nỗ lực tu hành để được giải thoát nên được đề tựa là Cảnh Sách; Đây là bộ luận mà trong thiền môn nói riêng, giới xuất gia nói chung coi như kinh của Phật. Các vị thuở xưa thấy lời chỉ dạy sách tấn của Ngài rất thiết yếu, vừa thích hợp với chân lý, vừa phù hợp với căn cơ mọi người, nên vốn lý là luận mà lại được các vị xem như lời Phật dạy, vì vậy mà gọi là kinh.
Lời Ngài chẳng những có giá trị về đạo lý, mà còn có giá trị về văn chương, nên trong thiền môn được dùng để sách tấn toàn thể Tăng Ni. Có thể nói đây là cuốn sách phải học thuộc lòng đối với tất cả những người xuất gia còn trẻ trong thời tập sự.
Bởi có giá trị như thế nên sau này có nhiều nhà giải thích, trong đó đặc biệt phải kể đến cuốn sách có đề tựa “Quy Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký” (2 quyển thượng hạ) do Ngài Hoằng Tán chú, Ngài Khai Quýnh ký vào đời Minh. Tập sách này được các chùa đặc biệt dùng vì cho lời giải của hai vị này là đầy đủ nhất.
Xin trân trọng giới thiệu đến toàn thể quý vị Tăng, Ni, Phật tử.