Gần đây, việc sưu tầm, chỉnh lý, giới thiệu thư tịch Hán Nôm được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh. Đấy là hiện tượng đáng mừng.
Để góp phần giúp các nhà sưu tầm, nghiên cứu Hán Nôm có một ngôn ngữ chung, tránh tình trạng dùng thuật ngữ không thống nhất khi miêu thuật thư tịch cổ như thỉnh thoảng vẫn thấy, bài viết này xin bàn về sách, các kiểu đóng sách và tên gọi các bộ phận của sách theo truyền thống phương Đông mà nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản v.v. hiện vẫn quan niệm và sử dụng.
Trước hết, hãy nói “sách” là gì. Thiên Đa sĩ ở Thượng thư có câu “Riêng tổ tiên người Ân có sách có điển (Duy Ân tiên nhân hữu sách hữu điển). Trong số văn tự giáp cốt khai quật được ở Ân Khư, kinh đô cũ của nhà Ân, nay thuộc huyện An Dương tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, người ta thấy có hai chiếc mai rùa được gắn vào nhau, trên khắc hai chữ “sách lục” tức “sách thứ sáu”. Các chữ “sách” ở đây đều được viết là 冊, giống hình một số mai rùa hoặc xương thú ghép lại với nhau, có dây xuyên qua. Còn chữ “điển” thì được viết là 典, giống hình hai bàn tay đang nâng niu, gìn giữ, bảo vệ sách. Chữ “sách” sau đó được viết gọn hơn, thành 冊, hình thù có khác trước chút ít, nhưng tính chất tượng trưng thì vẫn như cũ, thậm chí thể hiện còn rõ hơn. Bộ sách sớm nhất của phương Đông ra đời cách đây trên 3000 năm mà ngày nay còn có thể thấy được qua “sách lục” vốn dĩ là như vậy. Nó mang đến cho chúng ta chí ít hai thông tin quan trọng: thế nào là sách và kỹ thuật đóng sách thuở ban đầu.
Khái niệm “sách” về sau không thay đổi là bao, trong khi kỹ thuật đóng sách thì luôn luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với vật liệu dùng để khắc hoặc viết chữ, đồng thời cũng nhằm giúp cho việc sử dụng sách này ngày thêm thuận tiện. Vậy là hình thành cả một lịch sử về kỹ thuật đóng sách.
Loại sách làm bằng mai rùa, xương thú ghép lại như trên, kỹ thuật còn sơ sài: gắn bằng keo hoặc xâu bằng dây các chiếc mai rùa hay xương thú lại với nhau. Kiểu đóng sách này được đời sau gọi là “quy sách” 龜 冊 .
Việc dùng mai rùa, xương thú để ghi chữ vừa khó khăn trong chế tác, vừa bất tiện lúc sử dụng, đặc biệt là khi mà nhu cầu viết và đọc tăng lên. Vì vậy từ cuối đời Xuân Thu trở về sau, vật liệu dùng để khắc hoặc viết chữ dần dần được thay thế bằng thẻ tre gọi là “trúc giản” 竹 簡 . hay thẻ gỗ gọi là “mộc giản” 木 簡. Kỹ thuật đóng sách tương ứng là dùng dây da hoặc dây tơ tằm bện các thẻ tre, thẻ gỗ lại với nhau. Có thể biết điều này qua đoạn văn sau đây ở thiên Khổng Tử thế gia trong Sử ký: “Khổng Tử vào cuối đời thích Kinh Dịch, đọc Dịch nhiều đến nỗi làm cho dây bện thẻ đứt ba lần” (Khổng Tử vãn hỉ Dịch, độc Dịch vĩ biên tam tuyệt). Chữ “sách” trong giai đoạn này thường được viết giả tá là 策 . Mỗi sách bao gồm một nội dung trọn vẹn, gọi là “thiên” 篇 . Cũng có khi sách dài đến mấy “thiên”. Kiểu đóng sách này được đời sau gọi là “giản sách” 簡 策 hay “giản độc” 簡 牘 .
Đến đầu thời Chiến quốc, bên cạnh thẻ tre, thẻ gỗ được sử dụng phổ biến, người ta cũng thử nghiệm dùng lụa làm vật liệu ghi chữ. Với lụa, một thứ vừa mềm vừa nhẹ, kỹ thuật đóng sách cũng giống như đối với thẻ tre, gỗ. Viết chữ lên lụa xong, người ta cuốn lụa chung quanh một cái trục, gọi là “quyển” 卷 . Mỗi quyển là một đơn vị văn bản trọn vẹn. Mỗi sách có thể gồm một đến nhiều quyển. Kiểu đóng sách này được đời sau gọi là “bạch thư” 帛 書 .
Sách bằng thẻ tre và sách bằng lụa đến thế kỷ I trước công nguyên được sử dụng song song, điều này phản ánh qua Hán thư Nghệ văn chí. Cũng qua Hán thư Nghệ văn chí, ta thấy đơn vị văn bản thời bấy giờ khi thì tính bằng “thiên”, như “Dịch kinh thập nhị thiên”; khi thì tính bằng “quyển”, như “Thượng thư cổ văn kinh tứ thập lục quyển”; cũng có lúc vừa tính bằng “thiên” vừa tính bằng “quyển”, như “Xuân thu cổ kinh thập nhị thiên, kinh thập nhất quyển”.
Giản sách vừa thô vừa nặng. Bạch thư giá thành lại cao. Điều này thôi thúc người ta tìm kiếm vật liệu thích hợp hơn để viết chữ. Kết quả vào thế kỷ II, sau khi Thái Luân cải tiến thành công phương pháp sản xuất giấy đã nhanh lại rẻ, giấy liền được sử dụng làm sách. Sang thế kỷ III thẻ tre và gỗ hoàn toàn bị giấy đẩy lùi. Kỹ thuật đóng sách hồi bấy giờ là dán các tờ giấy vào nhau theo chiều ngang, thành một băng dài, rồi dùng trục gỗ cuốn lại theo hướng từ trái sang phải thành một đơn vị văn bản gọi là “quyển” như đối với bạch thư, tương đương một “thiên” ở giản sách. Do mỗi quyển đều có trục gỗ ở giữa, nên còn được gọi là “quyển trục” 卷 軸 hay “trục thư” 軸 書.
Trục thư dài ngắn không đồng đều, tùy thuộc vào nội dung văn bản nhiều hay ít. Với những trục thư dài, muốn đọc một câu hoặc một đoạn nào đó, phải mở ra cuốn lại sách nhiều lần, vô cùng bất tiện. Vì lẽ ấy vào khoảng thế kỷ VII, VIII người ta quay sang học kiểu đóng sách của ấn Độ qua các tập kinh Phật được viết bằng chữ Phạn. Cụ thể là đem trục thư gấp lại thành nhiều mảng hình chữ nhật liền nhau, có bề rộng khoảng 11, 12cm. Mặt giấy đầu tiên và mặt giấy cuối cùng của trục thư thường bồi thêm một số tờ giấy cho dày, dùng làm bìa sách. Kiểu đóng này được đời sau gọi là “chiết trang” 折 裝 , “kinh chiết trang” 經 折 裝 , hay “Phạn giáp trang” 梵 夾 奘 .
Sách “chiết trang” dùng lâu ngày, các nếp gấp thường bị rách, sách đứt ra thành nhiều mảnh, mảnh trước dễ lẫn lộn với mảnh sau. Đến đầu thế kỷ X, nhân phát minh ra nghề in, các bản khắc ván có thể làm từng tấm một, người ta bèn nghĩ ra cách đóng sách gồm những tờ rời gọi là “sách diệp” 冊 葉, vừa khắc phục được mặt hạn chế của sách “chiết trang”, vừa tận dụng được khả năng in ấn đương thời. Kỹ thuật đóng sách từ “trục thư” chuyển sang “sách diệp”.
Sách diệp sau đó lại tiếp tục cải tiến qua nhiều thế kỷ, từ kiểu đóng “cánh bướm” (hồ điệp trang) đến kiểu đóng “bọc gáy” (bao bối trang), và cuối cùng, đến kiểu đóng bằng chỉ (tuyến trang) như hiện nay.
Từ “quy sách”, “giản sách” đến “bạch thư”, “trục thư” và cuối cùng là “chiết trang”, “sách diệp”… kỹ thuật đóng sách đã có những bước tiến rất dài!
Về tên gọi các bộ phận của sách cổ, ở đây xin giới thiệu những cách gọi thường gặp nhất:
1. Thư phẩm 書 品 (chất lượng sách): có nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Nghĩa rộng, gồm chất lượng của bản in lần đầu và các lần tái bản nếu có; các bản sao chép cũ và mới; khoảng cách giữa các dòng lớn hay nhỏ; có hay không có tựa, bạt, bìa sách, nhãn sách, dấu thư viện; các lời phê ghi trên sách là của nguyên tác hay của người đời sau; kỹ thuật đóng sách khéo hay vụng v.v…
Nghĩa hẹp, chỉ phần giấy phía ngoài khung trang sách và mức độ cũ nát của sách.
2. Biên lan 邊 欄 (khung viền trang sách): đường viền bên trên là “thượng lan” 上 欄 ; đường viền bên dưới là “hạ lan” 下 欄 ; đường viền bên trái là “tả lan” 左 欄 đường viền bên phải là “hữu lan” 右 欄 . Nếu đường viền chỉ có một vạch thì gọi là “đơn lan” 單 欄 hay “đơn biên” 單 邊 còn nếu là hai vạch thì gọi là “song lan” 雙 欄 hay “song biên” 雙 邊 .
Nếu bên trên và bên dưới đều là đơn biên , bên phải bên trái đều là song biên, thì gọi là “tả hữu song lan” 左 右雙 欄 hay “tả hữu song biên” 左 右雙 邊 . Nếu trên, dưới, phải, trái đều là song biên, thì gọi là “bốn phía đều song biên”. Trường hợp khung viền bốn chung quanh gồm một đường to và một đường nhỏ, thì gọi là “văn vũ biên lan” 文 武 邊 欄 .
3. Thư nhĩ 書 耳 (tai sách): chỉ ô hình chữ nhật ở góc trái của biên lan, dùng để ghi tên các thiên sách.
4. Bản tâm 版 心 (lòng sách): còn gọi là “bản khẩu” 版 口 hay “thư khẩu” 書 口 , chỉ khoảng giấy nằm giữa mặt a và mặt b của một tờ sách. Nếu ở phần giấy này có in vạch đen thì gọi là “hắc khẩu” 黑 口 , không in vạch đen thì gọi là “bạch khẩu” 白 口 . Vạch đen in dài và to thì gọi là “đại hắc khẩu”, in ngắn và nhỏ thì gọi là “tiểu hắc khẩu” 小 黑 口. Phần vạch đen ở phía trên của bản tâm gọi là “thượng hắc khẩu” 上 黑 口 , phần vạch đen ở phía dưới gọi là “hạ hắc khẩu” 下 黑 口 . Bản tâm cả phía trên lẫn phía dưới đều có vạch đen, gọi là “thượng hạ hắc khẩu” 上 下 黑 口 . Nếu phía bản tâm có in chữ, thì gọi là “hoa khẩu” 花 口 .
5. Ngư vĩ 魚 尾 (đuôi cá): chỉ ký hiệu có hình như đuôi con cá ở bản tâm. Ký hiệu này thường xuất hiện ở nửa trên hoặc nửa dưới của bản tâm, dùng để đánh dấu chỗ gấp tờ sách thành hai mặt a và b. Nếu ở bản tâm chỉ có một ngư vĩ, thì gọi là “đơn ngư vĩ” 單 魚 尾 . Còn nếu cả phần trên lẫn phần dưới của bản tâm đều có ngư vĩ, thì gọi là “song ngư vĩ” 雙 魚 尾 .
6. Thiên đầu 天 頭 (đầu sách): còn gọi là “my đầu” 眉 頭 (mi sách), chỉ phần giấy trắng trên, ngoài biên lan.
7. Địa cước 地 腳 (chân sách): còn gọi là “hạ cước” 下 腳 (chân dưới), chỉ phần giấy trắng dưới, ngoài biên lan.
8. Thư não 書 腦 (não sách): chỉ phần giấy ở bên ngoài biên lan trái và phải, nơi dùng để dùi lỗ xâu chỉ khi đóng sách.
9. Thư bối 書 背 (lưng sách): còn gọi là “thư tích” 書 脊 , chỉ mặt lưng của một cuốn sách, ta thường gọi là “gáy sách”.
10. Phó diệp 副 葉 (tờ lót): chỉ những tờ giấy trắng dùng để lót ở phía sau bìa trước và bìa sau (thường trước 3 sau 2) với mục đích bảo vệ các tờ sách bên trong, nên còn gọi là “hộ diệp” 護 葉. Ngoài ra còn có thể dành những tờ giấy này để viết tựa (nếu là ở phía trước) hoặc bạt (nếu là ở phía sau) cho cuốn sách.
11. Phong diện 封 面 (bìa trong): ở các cuốn sách cổ, sau phó diệp, có tờ “phong diện” để ghi tên sách, tên tác giả, nơi in sách, tương đương với tờ “bìa trong” của sách hiện nay. Tác dụng của phong diện lúc đầu là nhằm góp phần bảo vệ các tờ sách bên trong, nhưng dần về sau đã mất đi mục đích này.
12. Thư bì 書 皮 (bìa sách): còn gọi là “thư y” 書 衣 (áo sách) “thư diện” 書 面 (mặt sách), chỉ lớp ngoài cùng, thường làm bằng bìa dày để bảo vệ sách.
13. Thư thiêm 書 簽 (nhãn sách): trên bìa sách, người ta thường dán thêm một tờ giấy hoặc một mảnh lụa để ghi tên sách cùng số quyển, gọi là “thư thiêm”, nhãn sách.
14. Trật 秩 (áo sách): đây là lớp bọc ngoài, thường làm bằng vải hay bằng lụa để bảo vệ các quyển trục. Một bộ sách cổ có thể gồm nhiều quyển trục, “trật” do đó còn có tác dụng làm cho các quyển sách khỏi bị lẫn lộn với nhau.
15. Hàm 函 (hộp sách): còn gọi là “hàm sáo” 函 套 , “thư sáo” 書 套 , “chỉ hạp” 紙 匣 , “mộc hạp” 木 匣 … đều chỉ các loại hàm, hộp, tráp, túi… dùng để đựng sách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tiêu Chấn Đường và Đinh Du Đồng: Trung Quốc cổ tịch trang đính tu bổ kỹ thuật, Thư mục văn hiến xuất bản, Bắc Kinh 1980.
- La Mạnh Trinh: Trung Quốc cổ đại mục lục học giản biên, Trùng Khánh xuất bản xã, Trùng Khánh 1983.
THỌ NHÂN
Tạp chí Hán Nôm số 2/1996