GIẤY DÓ TRUYỀN THỐNG VIẾT SẮC PHONG
- Giấy sắc có sức chịu đựng lâu dài vài ba trăm năm. Được như thế vì kỹ thuật làm loại giấy này rất cầu kỳ.
- Vật liệu để làm là cây dó, nhưng phải là dó Thao, các công đoạn kỹ thuật làm cơ bản giống như làm các loại giấy dó khác, song thêm một số các công đoạn kỹ thuật mà các loại giấy khác không có.
- Trước hết đem vỏ cây dó ngâm trong nước lạnh, rồi trong nước vôi, sau đó đưa vào vạc nấu chín bằng hơi, đưa ra tách bóc thành phần ruột, phần vỏ. Lấy phần ruột trắng ngâm kỹ trong bể cho đến thối rồi đem rửa, giã, đãi, kết hợp với phèn chua và gỗ mò đánh tan đều trong một cái bể lớn gọi là kéo tầu. Tiếp theo là công đoạn seo giấy, bóc giấy, can giấy.
- Công đoạn seo giấy rất quan trọng, người thợ cho nước bột giấy vào khuôn, lắc đều tay cho nước róc, bột lắng lại thành tờ, đem hong khô. Lúc bóc uốn phải bóc liền ba tờ hoặc năm tờ tùy theo độ dầy mỏng của từng loại giấy. Khi can giấy dùng nhựa gỗ mò lấy chổi dán lên tường giúp giấy phẳng, sau 10 ngày mới bóc giấy. Giấy muốn đanh, bóng thì phải nghè. Nghè là một hình thức dùng lực nện nén đều tờ giấy, cho đanh lại. Khi nghè giấy người ta đặt tờ giấy trên mặt đá đanh phẳng, khi nào nghe tiếng chày giã trên tờ giấy đanh và chắc tay là được.
- Sau nghè là phết keo, cho giấy tăng thêm độ dai, giảm độ hút ẩm, tránh mối mọt. Keo phết chế biến từ da trâu. Sau khi phết keo người ta nhuộm giấy bằng cách phết phủ lên tờ giấy nước hoa hòe tạo cho tờ giấy có mầu vàng tươi rồi vẽ rồng trên một mặt có in hình con triện, mặt kia vẽ hình vật tứ linh để yểm sau tờ giấy. Khâu sau cùng, vẽ phủ một lớp vàng quỳ óng ánh lên trên, tăng vẻ đẹp và mầu sắc lung linh huyền ảo cho tờ giấy.
- Nghề làm giấy sắc đã có một thời vinh quang, nay chỉ dùng vào việc phục chế các đạo sắc, in các tài liệu quý cần lưu giữ.