ĐẠO GIÁO NGUYÊN LƯU – 道教原流
- Tên khác: Tam Giáo Quản Khuy
- Soạn giả: Phúc Điền Hòa Thượng (Sa môn An Thiền)
- Năm khắc in: 1845 (Thiệu Trị Ngũ Niên Tuế Thứ Ất Tỵ)
- Nơi khắc in: Đại Giác Thiền Tự, Bồ Sơn
- Thư lưu tại: Đại Từ Ân Tự
Đạo Giáo Nguyên Lưu do Hòa Thượng Phúc Điền biên soạn là văn bản duy nhất được khắc ván trong khoảng thời gian 1840-1847 đời vua Thiệu Trị, lời đề tựa do Nguyễn Đại Phương viết năm Thiệu Trị thứ năm – Ất Tỵ 1845 tại chùa Đại Giác, huyện Tiên Du – tỉnh Bắc Ninh.
Bộ sách gồm 3 quyển:
- Quyển thượng: Thích giáo
- Quyển trung: Nho giáo
- Quyển hạ: Đạo giáo
Đây có thể xem là một bộ “cảo thơm” trong kho tàng thư, kinh các của nước Nam ta. Cuốn sách tập hợp hàng loạt các bài giảng của Hòa thượng Phúc Điền trong các kỳ an cư kiết hạ. Mỗi tiểu truyện của các vị Cao Tăng Đại Đức, mỗi đóng góp cho Phật pháp của các vị Hoàng đế, Hiền tướng, Đại phu ghi trong sách đều có thể dùng làm một bài giảng sinh động mà các vị Tăng Ni, Phật tử, cửa Khổng-sân Trình, hay kẻ chủ trương Vô Vi mới nhập đạo rất dễ tiếp thu ghi nhớ.
Không những hữu ích trong việc học, sách còn có giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu các tác phẩm mang tính học thuật, lịch sử, kinh văn do các Thiền sư Việt Nam biên soạn, từ lâu đã được các nhà nghiên cứu bác cổ trong và ngoài nước quan tâm, bộ sách này từng được Viện Viễn Đông bác cổ (École française d’Extrême-Orient) coi là bộ công cụ dẫn nhập vào văn hoá, tôn giáo tại Việt Nam thời Pháp thuộc. Đặc biệt, khi trình bày một cách có hệ thống tam giáo đồng nguyên có từ thời Lý, Trần, các nhà nghiên cứu lớp trước đã đặt ra cơ sở lý thuyết và tìm hiểu nghiên cứu so sánh với tác phẩm kinh điển Phật học, đặc biệt là của các Thiền sư Trung Hoa. Tác phẩm còn đóng góp một phần vô cùng quan trọng đối với việc tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam và sự nghiệp đào tạo Tăng tài.
Cơ duyên hạnh ngộ, thư viện An Vi may mắn được Thượng toạ Thích Tiến Đạt, trụ trì Đại Từ Ân Tự ký thác cho ảnh ấn và hợp uyển cùng sự tận tâm rà soát, bổ sung những trang còn thiếu sót của học giả Nguyễn Văn Quyền (Đệ tử Học Phật) để có thể trọn vẹn có được bộ sách này. Từ sự hàm ơn những tấm lòng cao cả, cùng với kỳ vọng đóng góp cho kho tàng học thuật, nay thư viện An Vi ảnh ấn và phát hành bộ sách trên. Trong quá trình sao ấn, ắt không tránh khỏi những khuyết điểm, mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các bậc chân nhân, thức giả.