PHẬT THUYẾT TRƯỜNG A HÀM KINH – 佛說長阿含經
- Năm khắc in: 1933 (năm Bảo Đại thứ 8)
- Tàng bản tại: chùa Phúc Lâm
- Tổng số quyển: 6 quyển (tổng 549 trang)
- Nội dung: bộ kinh sách là những lời thuyết pháp của Phật Thích Ca ở Kì Thụ Hoa Lâm nước Xá Vệ về đạo bình đẳng (không phân biệt chủng tộc, trai gái) và mặc khế huyền chỉ (tự hiểu thấu đạo lí cao siêu của Phật).
Phật thuyết Trường A Hàm Kinh hiện còn 1 bản in (3 tập, 22 quyển), với 1064 trang khổ 30 x 18cm. Sách có 1 bài tựa, ký hiệu AC.391.
Bản của Trung tâm là bản trọn bộ in thành 6 tập với 22 quyển, bản khắc in vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933).
Qua nội dung của lời tự dẫn khi trùng san lại kinh này được Sa môn tự là Tâm Trí hiệu Huyễn Cư ở chùa Phúc Lâm thành phố Hải Phòng kính bái viết lời dẫn. Bên cạnh đó lại được Sa môn tự Thông Mệnh là Giám viện chùa Đào Xuyên và Giám viện chùa Yên Ninh là Sa môn tự Ngọc Thư cùng trợ giúp hiệu điểm.
Bản khắc này được lưu tại chùa Phúc Lâm xã Dư Hàng, Thành phố Hải Phòng để sau này ấn loát về sau.
Lời tựa bộ kinh này được Thích Tăng Triệu ở Trường An thuật lại vào tháng 7 năm Quý Mão niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843).
Cuối sách là quyển phương danh dài 6 trang ghi tên tuổi thập phương tùy hỷ cung tiến tiền để san khắc ấn tống bộ kinh này. Qua việc đóng góp kinh phí lần này, có thể nhận thấy rất nhiều các Tỳ Khưu ở các chùa như cụ Pháp chủ chùa Vĩnh Nghiêm; chùa Yên Ninh; chùa Quế Phương; chùa Linh Quang; chùa Quy Khối; chùa Thắng Phúc; chùa Linh Quang; chùa Phúc Lâm; chùa Hoa Linh, chùa Hoa Nghiêm…..Hy vọng ngày nay các đệ tử kế đăng của nhiều chùa có thể đọc được bộ kinh này và tự hào với chốn tổ xưa kia đã góp tiền của để bộ kinh này ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Theo tác giả Thích Nguyên Hiền “Kinh Trường A Hàm, gồm 22 quyển, do Ngài Phật-đà Da-xá và Trúc Phật Niệm cùng dịch vào năm Hoằng Thủy thứ 15 đời Dao Tần (413), hiện được xếp vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập 1. Sở dĩ nói “Trường” là vì do soạn tập những kinh điển dài nhất trong A Hàm mà thành. Theo Tứ Phần Luật 54, Ngũ Phần Luật 30, Luận Du-Già-Sư-Địa 85, nguyên do có chữ “Trường” là vì tổng tập những kinh lớn (dài). Tát-Bà-Đa Tỳ-Ni Tỳ-Bà-Sa thì cho rằng Trường A-hàm là phá dẹp các tà thuyết của ngoại đạo. Luận Phân Biệt Công Đức thì cho rằng “Trường” nghĩa là nói những việc lâu xa, nghĩa là trải qua nhiều kiếp vẫn không dứt. Nói chung về phần định danh, các kinh luận nói khác nhau, xong đại để vẫn vậy.
Toàn kinh chia làm 4 phần, gồm 30 kinh. Trong đó, phần thứ nhất nói về bản thủy và sự tích của Đức Phật; phần thứ hai nói về việc tu tập các hạnh và cương yếu giáo pháp của Phật thuyết; phần thứ ba nói về các luận nạn đối với ngoại đạo và dị thuyết; phần thứ tư ghi chép về tướng trạng khởi nguyên của thế giới vũ trụ.
Có thể nói, bộ kinh Phật thuyết Trường A Hàm do Thư viện An Vi trùng ấn lần này là một sự nỗ lực rất lớn bởi lẽ nội dung kinh dài, số trang lớn. Tuy nhiên, với mong muốn gìn giữ di sản văn hóa Phật giáo nước nhà mà hôm nay bộ kinh này đã thành tựu viên mãn.