TAM TỔ THỰC LỤC (Cảnh Hưng) – 三祖實錄 (景興)
- Năm khắc in: 1765
- Nơi tàng bản: chùa Lân Động
- Số quyển: 01
- Số trang: 64 trang đôi
“Tam tổ thực lục” là tập sách chép tiểu sử ba vị tổ sư thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Đó là truyện về đức Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
Sách do thiền sư Tính Quảng và sa di Hải Lượng dựa vào các tư liệu có từ đời Trần đến giai đoạn sau soạn thành và được khắc bản vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), ván in lưu tại chùa Lân núi Yên Tử. Hơn 100 năm sau sách được chùa Pháp Vũ ở tỉnh Hải Dương trùng san.
Sách không có tờ bìa, 2 tờ đầu là bài tựa, mỗi tờ hai trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 15 chữ, khắc chữ khải thư rõ đẹp. Phía sau bài tựa cho biết soạn giả là Hối Tích sa môn Tính Quảng Điều Điều ở viện Thời Vũ. Sư Tính Quảng soạn tựa năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) và lấy năm này làm niên đại cho văn bản.
Nội dung chia làm ba phần:
- Phần nhất: – tiêu đề: “Yên Tử sơn đệ nhất tổ Trúc Lâm đại sĩ thực lục”, trên gáy đề “Đệ nhất tổ thực lục” tức truyện vua Trần Nhân Tông chiếm 13 tờ. Mỗi trang kẻ 8 khung dọc, giữa mỗi khung là dòng chữ Hán, mỗi dòng có 16 chữ, khắc thể khải thư, đẹp. Phần này do tì kheo Hải Luật Thích Cục Cục viết chữ.
- Phần hai: “Trúc Lâm đệ nhị đại tổ sư đặc phong Phổ Tuệ Minh Giác Tịnh Trí đại tôn giả niên phả y đoạn sách lục”, gáy đề “Nhị tổ niên phả thực lục” tức truyện thiền sư Pháp Loa Phổ Tuệ, tổ thứ hai thiền phái Trúc Lâm. Phần này do “Thị giả Trung Minh tập nhập, Truyền pháp chân tử Huyền Quang khảo đính”. Mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 17 chữ, khắc chữ khải thư, chữ viết không đẹp, chiếm 16 tờ. Phần này có in phụ “Thiền đạo yếu lược” gồm 15 tờ, do tì kheo Hải Diễn Thích Dương Dương chùa Linh Sơn chép.
- “Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn” tờ 1 đến 3a1, “Thăng đường” tờ 3a2 đến tờ 6b6, “Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết” tờ 6b7 đến tờ 10a7, “Đại thừa yếu thuyết” tờ 10b8 đến tờ 11a5, “Yếu minh học thuật tờ 11a6 đến tờ 15, tức hết phần phụ “Thiền học yếu đạo”.
- Phần ba: “Tổ gia thực lục”, gáy đề “Bản hành ngữ lục”. Tờ đầu phía dưới gáy đề số tờ đã đến vị trí số 7, tức tờ 7, không rõ khắc nhầm số tờ chăng? Mỗi trang 7 dòng, mỗi dòng 14 chữ.
Chép hết truyện tổ Huyền Quang có ghi: “Trúc Lâm Lâm Tế tông phái nguyên lưu: Như Chúc, Như Liên, Như Hạo, Như Nguyện, Như Tọa, Như Hạ, Như Tu, Như Triển, Như Đẳng, Như Xiển, Như Nhuận, cập Tính Trừng, Tính Thước đẳng. Hộ lục công đức: Hạ Hồng phủ Gia Phúc huyện Lam Cầu xã tại gia thiện nam Trần Đức Vọng tự Như Tuất, thê Đỗ Thị Dặn hiệu Diệu Trung, thân mẫu Phạm Thị Liễn hiệu Diệu Đức. Nguyện trượng thử phúc duyên đồng sinh cực lạc quốc. Hồng Lục xã Tuấn tài san bản” – tức ghi lại danh sách một số thiền tăng đệ tử của thiền sư Chân Nguyên, chùa Long Động núi Yên Tử. Trong đó, có ghi gia đình của Trần Đức Vọng người Hải Dương có công trong việc ủng hộ khắc ván in sách.
Sách được khâu thủ công theo lối cổ, bìa cậy nâu, in giấy xuyến chỉ hoặc dó gấp đôi, đọc ngược từ phải sang, khâu gáy bằng chỉ dù, quét nâu, tem sách chống xước, mực in chống nước không phai màu, số lượng chỉ có vài cuốn.
Quý vị thỉnh sách hoặc muốn trao đổi sách cũ đang có vui lòng nhắn: Tên sách, địa chỉ, điện thoại, họ tên người nhận để được chuyển sách miễn phí tận nhà, kiểm tra sách ưng ý mới thanh toán.