THÁI TÔNG HOÀNG ĐẾ NGỰ CHẾ KHÓA HƯ – 太宗皇帝御製課虛
- Tác giả: Trần Thái Tông
- Năm khắc in: 1840
- Tổng số quyển: 01 quyển gồm 2 phần thượng, hạ
Khóa hư tập 課虚集 cũng gọi là Khóa hư lục 課虚錄 là tác phẩm hoằng pháp và nghiên cứu lý luận Phật học quan trọng của Trần Thái Tông (1218- 1277).
Đầu sách có bài Tựa của Nguyễn Thận Hiên, hộ lý Ninh Thái Tổng đốc (pháp danh Pháp Minh Đại Phương) tức Nguyễn Đăng Giai, đề niên hiệu: 皇朝萬萬年歲次庚子季秋下澣 (Hoàng triều vạn vạn niên tuế thứ Canh Tý quý thu hạ cán) tức Hạ tuần tháng 9 năm Canh Tí (1840) đời vua Minh Mệnh. Bài Tựa đại ý nói: Mùa thu năm Canh Tí (1840) ông đến thăm chùa Do Nha huyện Võ Giàng, trụ trì chùa ấy là nhà sư Thanh Hương đưa bản thảo Khóa hư lục ra nhờ ông đề tựa. Thận Hiên xác nhận “Tập Khóa hư lục này do vua Trần Thái Tông ngự chế, thực là vì con người tự vô thủy vô lượng kiếp đến nay đã để mất bản tâm, hiểu sai chính đạo, sa vào nỗi khốn khổ ba đường, ấy là do bởi lục căn sai trái. Nếu không sám hối tội trước thì khó mong chứng quả kiếp sau. Đó là lý do tại sao tập Khóa hư lục này được soạn ra vậy.
Hòa thượng Phổ Tiến trụ trì chùa Bổ Đà và Yên Ninh dẫn: Bộ lục này trước đã khắc ở chùa Đống Cao – Bắc Ninh. Ngặt vì thấy thiếu tất cả 37 tờ: từ tờ 12 ”Giới sát văn“ cho đến “Lời bạt “. Năm Đinh mão Tự Đức 1867 tìm thấy được cuốn ván khắc ở chùa Quất Do huyện Yên Thế phía trước có đề: Thích Tuệ Hiền chùa Hoa Yên non Yên Tử trùng san.
Nội dung có: luận về ngũ giới và giới định tuệ, tọa thiền niệm Phật, lời tựa các kinh và sám cho đến văn niệm, tụng. Ngưỡng mộ bậc Cửu trùng Đế vương an ngự chốn lầu son cửa khuyết mà còn lưu tâm đặt bút để lời vàng chốn Hương tích cõi Lạc bang. Điều này là nguồn cảm hứng mãnh liệt dễ cuốn hút vào lòng nhân quần để rồi cùng hướng về quê hương thanh tịnh mà bước lên bậc Quang minh, cho nên mới đem khắc ván gỗ lê, gỗ táo, ý muốn phổ cập rộng cho mọi người hay: bậc Quốc chủ trước đây đau đáu quên thân vì đạo những cảnh tỉnh cho sự giải đãi thiếu nỗ lực của hàng xuất gia tu học chúng ta. Hơn nữa , ở Quyển hạ: 6 thời trước mỗi thời đều trì chú lễ Tam bảo… Năm Tự Đức 36 Quý mùi khắc, ván ở chùa Yên ninh – Chí Linh (chùa Trăm Gian – Nam Sách – Hải Dương nay).