HÙNG VƯƠNG KIM NGỌC BẢO GIÁM THỰC LỤC – 雄王金玉寶鑒實錄 (Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc Phả)
- Tàng bản tại: đền Vân Luông
Hùng Vương Ngọc phả là những ghi chép lịch sử về thời kỳ khởi đầu của sử Việt, đồng thời cũng là về các “lịch đại đế vương” mà mỗi triều đại phong kiến xưa khi theo mệnh trời lên ngôi đều phải tôn sùng. Chính vì thế mà Ngọc phả Hùng Vương trong mỗi một triều đại chỉ có 1 lần biên soạn và được chính thức coi là quốc sử của triều đại mình. Kể từ khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế tới năm 1945 chế độ phong kiến đã trải qua hơn 1000 năm lịch sử, nhưng thực tế không có nhiều Ngọc phả về quốc tổ được soạn. Tổng hợp các Ngọc phả Hùng Vương hiện nay còn sưu tầm được, chỉ có 3 lần biên soạn Ngọc phả như sau:
- Lần 1: vào năm Thiên Phúc thứ nhất (Lê Đại Hành). Bản 1 này có tên là Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền miêu duệ tôn điệt ức vạn niên hương hỏa tự điển tôn sùng. Tựa đề lớn của bản này là Hồng Bàng Thị kỷ. Nội dung bản này bao gồm tên gọi, tên hiệu, mỹ tự truy phong, các ngày sinh, ngày hóa, tuổi thọ, số cung phi, hoàng tử, công chúa… của Đế Minh và 18 chi Hùng Vương cùng thông tin ngắn gọn về một số sự kiện quan trọng nhất mỗi đời. Bản 1 hiện nay đã không còn bản gốc.
- Lần 2: vào năm Hồng Đức nguyên niên (Lê Thánh Tông) do Hàn lâm trực Học sĩ Nguyễn Cố biên soạn. Bản 2 này có tên Hùng đồ thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Tựa đề lớn là Cổ Việt Hùng Thị nhất thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Bản này là các truyện kể về các đời vua Hùng từ Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ cho đến khi Triệu Đà diệt An Dương Vương thì kết thúc. Bản 2 hiện nay cũng không còn bản gốc, chỉ còn bản sao năm Hoằng Định thứ nhất (Lê Kính Tông) hiện lưu tại bảo tàng đền Hùng.
- Lần 3: vào năm “Hùng Vương thứ 32” do Hàn lâm học sĩ Quốc tử giám Nguyễn Đình Chấn biên soạn. Đây là Ngọc phả được soạn vào đầu thời Nguyễn, có khả năng là dưới thời vua Minh Mạng. Bản 3 này có tên là Hùng Vương kim ngọc bảo giám thực lục. Nội dung của cuốn thực lục này có 3 phần.
- Phần 1: sao chép lại bản Tự điển Hùng Vương của thời Lê Đại Hành
- Phần 2: nói về các điển thờ Hùng Vương như bài trí bài vị, vị trí các lăng huyệt mộ Hùng Vương, các nơi tạo lệ và có bài tựa dẫn về sách.
- Phần 3: có tên Nam Việt Hùng Thị sử ký với nội dung là các truyện kể các đời Hùng Vương từ Đế Minh cho tới khi An Dương Vương lên tiếp ngôi (không nói tới thời Triệu Đà).
Bản 3 Hùng Vương kim ngọc bảo giám thực lục là bản Ngọc phả chính thức của quốc Triều Nguyễn, là bản Ngọc phả đầy đủ nhất đã gồm cả bản 1 và bản 2. Bản này được ghi chép là sau khi biên soạn xong đã được khâm chỉ chuyển cho các quan đứng đầu các bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình, bộ Lễ và phó sứ để tuân mệnh sử dụng. Hiện nay, bản sao của bản 3 này được lưu tại ở một số nơi thờ Hùng Vương, trong đó đầy đủ nhất là bản chép tay lưu tại đền Vân Luông, phường Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ.