ĐẠI BẢO TÍCH KINH (BỘ 24 QUYỂN) – 大寶積經
- Năm khắc in: Bảo Đại tứ niên – Kỷ Tỵ
- Nơi tàng bản: Hà Thành – Linh Quang Tự
- Quy cách: trọn bộ 120 quyển chia thành 24 tập sách
- Nguồn tư liệu: tổng hợp tư liệu tàng thư tại chùa Quán Sứ, chùa Liên Phái, chùa Thọ Ngãi, chùa Phú Thứ.
Kinh Đại Bảo Tích (Mahā-Ratnakūta-Sūtra hay Bảo Tích) gồm có 49 hội, 120 quyển – là bộ tổng tập các kinh liên quan đến những phương pháp tu hành, thọ ký, thành Phật của các Bồ Tát, do ngài Bồ Đề Lưu Chí đời Đường và nhiều vị khác dịch.
Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, bộ kinh Đại Bảo Tích gồm có hai phần, một phần gọi là “tân dịch” (gồm 26 hội, 39 quyển) là do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch vào đời Đường; còn phần kia gọi là “cựu dịch” (gồm 23 hội, 81 quyển), do nhiều vị dịch sư khác đã dịch từ trước trong các đời Ngụy, Tấn, Nam-Bắc-triều, Tùy v.v… Như vậy, bộ kinh này là một tập hợp của 49 kinh; tuy nhiên, về hình thức, hai phần tân và cựu dịch ấy không phải đã được sắp xếp riêng biệt, mà các hội ấy xen kẽ nhau.
Bộ kinh Đại Bảo Tích được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 11, mang số 310; có ghi rõ tên vị dịch sư của từng kinh (hội), như: Hội 1, Tam Luật Nghi (quyển 1-3), Bồ Đề Lưu Chí đời Đường dịch; Hội 4, Tịnh Cư Thiên Tử (tức Bồ Tát Thuyết Mộng Kinh, 2 quyển, 15-16), Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch; Hội 12, Bồ Tát Tạng (tức Đại Bồ Tát Tạng Kinh, 20 quyển, 35-54), Huyền Trang đời Đường dịch; Hội 19, Úc Già Trưởng Giả (tức Úc Già Trưởng Giả Sở Vấn Kinh, quyển 82), Khương Tăng Khải đời Tào-Ngụy dịch; v.v…
Về nội dung, kinh Đại Bảo Tích chứa đựng đủ các pháp môn chủ yếu của giáo pháp đại thừa, phạm vi thật là rộng rãi. Kinh gồm 49 hội, mà mỗi hội là một bộ kinh, với một chủ đề riêng. Ví dụ: Hội 3, Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ (tức Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ Kinh, ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch), xiển dương giáo nghĩa Mật giáo; Hội 5, Vô Lượng Thọ Như Lai (ngài Bồ Đề Lưu Chí đời Đường dịch), tuyên thuyết về tín ngưỡng Di Đà Tịnh Độ; Hội 46, Văn Thù Thuyết Bát Nhã (tức Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, ngài Mạn Đà La Tiên đời Lương dịch), nêu lên tư tưởng bát nhã tánh không; v.v… Mặt khác, cả 49 hội đó cũng thuộc nhiều bộ loại khác nhau, như: Hội 1 (Tam Luật Nghi) và Hội 23 (Ma Ha Ca Diếp) thuộc về Luật bộ; Hội 14 (Phật Thuyết Nhập Thai Tạng) thuộc Tiểu Thừa bộ; Hội 46 (Văn Thù Thuyết Bát Nhã) thuộc Bát Nhã bộ; Hội 47 (Bảo Kết Bồ Tát) thuộc Đại Tập bộ; v.v… Bởi vậy, nếu xét về toàn thể thì kinh Đại Bảo Tích không có một nội dung nhất quán.
Trong quá trình số hóa bộ Kinh Đại Bảo Tích, Thư viện An Vi gặp nhiều khó khăn do kinh còn lưu tại các chùa hầu như bị thất lạc không còn đủ bộ, mặt khác nguyên bản sách cũng bị hư hại mất chữ theo thời gian do tác động của thời tiết, mối mọt, nấm mốc nên chúng tôi đã phải tập hợp sách từ nhiều nguồn khác nhau. Thư viện An Vi xin chân thành gửi lời tri ân sâu sắc tới các Thượng tọa, Trụ trì chùa Quán Sứ, chùa Liên Phái, chùa Thọ Ngãi, chùa Phú Thứ đã cung cấp tư liệu cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện để việc số hóa, trùng ấn bộ kinh đồ sộ này được hoàn thành viên mãn và lưu thông đến tay Quý Thầy, Quý độc giả được trọn vẹn.