CÁT THIÊN TAM THẾ THỰC LỤC – 葛天三世實錄
- Năm khắc in: 1913
- Nơi tàng bản: Quảng cung Tiên Chúa linh từ
“Cát thiên tam thế thực lục” 葛 天 三 世 實 錄 là một tư liệu có giá trị lớn trong việc nghiên cứu đạo Mẫu nói chung và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nói riêng.
Về hình thức, trang bìa 2 có khắc hình tứ linh xung quanh và ghi dòng chữ ở giữa: “Cát thiên tam thế thực lục” 葛 天 三 世 實 錄, mặt sau có đề ba dòng chữ Hán như sau: dòng giữa đề: “Hoàng Nam Duy Tân Quí Sửu trọng xuân phụng thuyên” 皇南維新癸丑仲春奉詮 (phụng khắc vào tháng trọng xuân năm Quí Sửu niên hiệu Duy Tân (1913), dòng bên phải đề: “Nam Định Nghĩa Hưng Đại An Vỉ Nhuế” 南定義興大安𠳿汭. Dòng bên trái đề: “Quảng Cung Tiên chúa linh từ tàng bản” 廣宮仙主靈祠藏板 (ván được tàng tại Quảng cung tiên chúa linh từ).
Trong sách dùng cả chữ Hán và chữ Nôm. Sách bao gồm các phần như sau:
- Thánh Mẫu bảo cáo. [1a-1b]
- Quảng Nạp linh từ phả ký. [2a-4a]
- Cát Thiên tam thế thực lục tự. [4b-6a]: bài tựa này do người tên là Khiêm phụng soạn, ông nói lên lẽ huyền vi hóa sinh, luân hồi của đạo thì đối với nho gia không tin, nhưng viện dẫn trong sử sách của Trung Quốc và của Việt Nam thì những nhân vật nổi tiếng như Khổng Minh, Trương Phi, Thánh hóa ở núi Sài (Thầy), rồi Phật bà chùa Hương Tích thì họ đều là tiền thân hoặc hậu thân của một vị nào đó. Thế thì chẳng phải là điều hiển nhiên là có chuyện hoá sinh đó sao. Thế thì việc thánh mẫu giáng sinh tam thế (ba lần) thì cũng có thể tin được. Đó là những ý mà người viết lời tự muốn gửi gắm để người đọc tin là có tam thế mẫu. Cuối lời tự còn có lời phê của các vị thánh như Trần Hưng Đạo, Trạng Trình duyệt (đây là lời duyệt thông qua người ngồi đồng, kê).
- Cát Thiên tam thế thực lục tự tự. [6b-7b]: đây là bài tự tựa của Thánh mẫu giáng bút, Thánh mẫu ghi lại lai lịch năm tháng của mình trong lần giáng sinh lần thứ nhất. Nói lên việc viết Cát thiên tam thế thực lục bằng quốc âm. Viết xong có những lời hiệu duyệt của các bậc thánh kê duyệt. Cuối bài tựa có ghi ngày 24 tháng 10 năm Duy Tân thứ 6 (1912). Do Đệ Nhất vị Tiên Hương thánh mẫu giáng trước.
- Cát Thiên tam thế thực lục. [8a-10b]
- Cát Thiên tam thế tổng tự. [10b-11b]: ghi tổng quát về tam thế (ba đời) của đức Thánh Mẫu. Đời thứ nhất Mẫu giáng sinh tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Thái An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, trong nhà thái ông họ Phạm hiệu là Huyền Viên. Đời thứ hai của mẫu giáng sinh vào nhà thái công họ Lê tại xã Vân Cát huyện Vụ Bản phủ Nghĩa Hưng, thái công họ Lê tên húy là Đức Chinh. Đời thứ ba của mẫu giáng sinh tại xã Tây Mỗ huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Sau Ngọc hoàng chuẩn cho mẫu được trắc giáng xuống cõi trần thường xuyên tiêu dao khắp nơi, được miễn vòng sinh tử luân hồi. Sau bài tổng tự có ghi dòng tính từ đời thứ nhất của mẫu cho tới năm Nhâm Tý niên hiệu Duy Tân (1912) tổng cộng là 535 năm.
- Cát Thiên tam thế thực lục quốc âm. [12a-25a]: gồm 138 câu lục bát được viết bằng chữ Nôm ghi về tam thế của thánh mẫu, có chú thích năm tháng bằng chữ Hán.
- Phụ lục đề Tiên hương từ thi. [25a-25b]: là hai bài thơ của Lộng Đình Phó bảng Quang lộc tự khanh lĩnh Đốc học trí sĩ Đặng Quĩ, một bài viết bằng quốc âm:
“Non Sòng vằng vặc bóng trăng đầy,
Phố Cát đi về một đóa mây.
Tiên Phật thánh thần nhân quả vẹn,
Đông đoài nam bắc tiếng thiêng bay…”.
- Cát Thiên thực lục hoàn mộc ân đệ tử tạ biểu. [26a-28a]: là bài biểu tạ sau khi đã hoàn thành tập sách. Bài biểu này do ông Đỗ Huy Liêu phụng mệnh bái thảo.
- Cát Thiên tam thế thực lục hậu tự [28b-34b]. Bài hậu tự này ghi những lời cảm nhận của người viết về lẽ huyền vi sinh sinh hóa hóa của đức Thánh mẫu, và khẳng định đức thánh mẫu Quảng Nạp có trước (tiền thân) của Thánh mẫu Vân Cát. Bài hậu tự này cũng do ông Đỗ Huy Liêu bái bạt.
- Mộng thụ ký [35-37a]: ghi lại cuộc gặp mặt của ông Trần Đăng Thái mộng đi tới nhà quan Đốc học Trần Xuân Thiều tại Bắc Giang và gặp được nghiệp sư họ Trần tên huý là Xuân Huy, ông hỏi về nguồn gốc ý nghĩa của một phiến đá lạ có khắc hình hổ phù và được thầy của ông trả lời, giải thích ý nghĩa rất tường tận. Đó là phiến đá Vân Mẫu thạch.
- Phụ lục Tiên hương từ đối liên. [37a-37b]: ghi chép lại vào sách một số câu đối thờ mẫu.
- Phụ lục Quảng Nạp từ linh nghiệm ký. [38a-39b]: đoạn văn kể những câu chuyện linh nghiệm có thực mà người dân trong vùng được sự linh ứng của thánh mẫu phù giúp cho mà bị tà nhập muôn phần chết một phần sống đã được cứu sống.
- Thánh Mẫu tán văn. [40-42a]: bài văn viết ca tán công đức của đức thánh mẫu, khắp nơi xa gần đều biết sự hiển linh của thánh mẫu trong văn có ghi: “Nhi tiên nữ nhi thần nhi thánh” là bậc tiên nữ là vị thần là vị thánh.
- Bách hoa văn. [42a-44b]: bài văn viết về trăm loài hoa tươi tốt đem đến dâng trước thánh mẫu, bài văn cũng được viết bằng quốc âm. Toàn bài văn theo như dòng chữ ghi phía dưới thì tổng cộng là 74 câu thơ.
- Bách dược luyện văn. [45a-47a]: đây là bài luyện văn trăm thứ thuốc viết bằng quốc âm, được đọc khi xin thuốc chữa bệnh ở đền thánh mẫu Quảng Nấp.
- Tế văn. [47a- 48a]: Đây là bài văn tế đức Thánh mẫu tại Quảng Nạp cung linh từ, bài văn tế ca ngợi đức hạnh của thánh mẫu, linh ứng phù giúp cho quốc thái dân an, sở cầu tất ứng nên trải các triều đại sùng kính phụng thờ. Phần sau của bài văn tế là lời phê duyệt của Trần Thánh vương (những lời phê này là các vị thần giáng ứng vào người ngồi kê, ngồi đồng phán, người ngồi hầu chép lại).
Theo Nguyễn Văn Thanh
Viện Nghiên Cứu Hán Nôm