Bản ảnh ấn từ một trong 3 bộ mộc khắc cổ cực kỳ giá trị của chùa Dâu (Cổ Châu Lục, Cổ Châu Hạnh, Cổ Châu Nghi) từ thế kỷ XVIII.
Theo như thông tin đọc được thì:
CỔ CHÂU NGHI, như tên gọi của nó (Hiến Cổ Châu Phật tổ nghi) đã chỉ rõ, là một tập hợp có hệ thống các bài văn tụng niệm khi cúng dâng hương hoa trước anh linh các vị Phật tổ chùa Dâu và cả các vị Phật thuộc hệ Tứ Pháp. Ở đây, trong các bài văn cúng lần lượt có nhắc đến tất cả các “nhân vật” chủ yếu đã xuất hiện trong Cổ châu lục và CỔ CHÂU HẠNH: Phật mẫu A Man, chư vị Tứ pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, cùng Thạch Quang Phật. Rồi đến thầy Khâu Đà La, ông bà Tu Định, và cả sĩ Vương. Các vị Phật tổ bản chùa, ngoài Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi (? – 594), Thiền sư Pháp Hiền (? – 626) còn có Thiền sư Sùng Phạm (1004 – 1087).
Toàn văn CỔ CHÂU NGHI, gồm hơn 1500 chữ Hán, khắc trên 13 tấm ván khổ 30x20cm, in lên giấy gấp đôi lại sẽ có trang in khổ 15×20 cách mạng. Mỗi trang chia làm 5 cột, khắc chữ khá to và đẹp. Trong số 13 tấm ván khắc, có hai tấm là tấm thứ 5 và tấm thứ 12 có lẽ bị thất lạc hoặc hỏng nát, và không rõ từ bao giờ, người ta đã khắc bù lại vào mặt sau của những tấm ván còn lại, với nét chữ khô cứng và xấu hơn.
Với hai mặt ván khắc bù này, tác phẩm CỔ CHÂU HẠNH coi như vẫn còn đầy đủ. Căn cứ vào những giòng chữ khắc ngay ở tấm ván đầu tiên, bên dưới tên tác phẩm, có thể nhận biết được rằng CỔ CHÂU NGHI vốn cũng là những văn bản chữ Hán đã được soạn ra từ xưa, nhưng không rõ là từ tác giả thời nào. Cho đến thế kỷ XVIII thì được nhà sư Thích Quảng Điều, ẩn tăng ở Viện Thiền Phong trên Tử Sầm (Sơn Tây) “dựa theo khoa nghi cũ mà sửa chép lại”.
Nhà sư Thích Quảng Điều (còn gọi là Tính Quảng Thích Quảng Điều) vốn là một người hay chữ, từng soạn nhiều bài văn bia, như Liên Phương tháp ký và Tịnh Hạnh tháp ký tịnh minh đều dựng ở chùa Quang Khánh xã Dương Mông (Kim Thành, Hải Hưng) năm 1757. Như vậy, nhà sư Thích Quảng Điều cũng là người đương thời với nhà sư Tính Mộ ở chùa Dâu hồi ấy.
Đúng 40 năm sau khi Cổ châu lục và CỔ CHÂU HẠNH được khắc in, thì nhà sư Chiếu Tuyên (1754 – 1801) kế tục công đức của nhà sư Tính Mộ, đã dựa vào văn bản do nhà sư Thích Quảng Điều “sửa chép” (tức là biên tập) lại đó, đem cho san khắc thành ván in. Một người họ Nguyễn ở xã Kiêu Kỵ viết chữ Hán, và hiệp thợ Hồng Lục khắc chữ. Công việc san khắc CỔ CHÂU NGHI hoàn tất vào cuối mùa hè năm Nhâm Tý, niên hiệu Quang Trung 5 (tức năm 1792), dưới triều Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Hiến Cổ Châu Phật Tổ Nghi (Khoa Cúng Tứ Pháp) do Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam trùng ấn theo lối cổ.
Quý vị hoan hỉ thỉnh tại link: https://thuvienanvi.com/shop/hien-co-chau-phat-to-nghi-khoa-cung-tu-phap
Xem tư liệu gốc và thảo luận tại: https://www.facebook.com/groups/tulieuphatgiao/posts/599058658571779