ĐẠI BI SÁM PHÁP – 大悲懺法 (Y cựu trùng san)
- Biên soạn: Tứ Minh Tri Lễ (Thiên Thai Tông)
- Năm biên soạn: đời Tống
- Nơi trùng san: chùa Pháp Vũ
- Năm trùng san: Đinh Dậu 1957
- Nguồn tư liệu: chùa Hói (Linh Ứng Tự)
Nội dung: Sách trình bày những nghi lễ, phép tắc, của quá trình sám hối. Nét chữ khắc đẹp, rõ ràng, tại mỗi câu chú Đại Bi đều có hình vẽ rất đẹp và sinh động, kèm theo chú thích.
Đại Bi Sám Pháp là một bộ sách do ngài Tứ Minh Tri Lễ của Thiên Thai tông/ Pháp Hoa tông biên soạn vào đời Tống. Có những tên gọi khác như: Xuất tượng đại bi sám pháp, Đại bi tâm chú sám pháp, Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm chú hành pháp. Nội dung trình bày phương pháp sám hối theo giáo nghĩa của kinh Diệu pháp liên hoa để hướng dẫn sự hành trì. Người lễ sám phải chí thành tin tưởng bồ tát Thiên thủ Quan âm, cầu xin trong đời sống thực được tiêu giao, tự tại, sau khi chết vãng sinh được tịnh độ, cực lạc.
Sám hối là gì?
Sám là nói tắt của từ sám-ma, ksama nghĩa là hối hận tội lỗi mong được tha thứ. Hối là dịch ý của từ tiếng phạn Đề-xá-na, nguyên nghĩa là thuyết. Trong Phật pháp, nếu người nào phạm lỗi (trừ trường hợp cực nặng mà có tâm tự hối lỗi thì có thể được) mà không chịu phơi bày lỗi lầm của mình thì không được thanh tịnh trở lại. Phải nên đối trước chư Phật, Bồ-tát, sư trưởng, đại chúng mà thưa bạch phát lồ nguyên do và quá trình tạo tội của mình, mục đích là để mong được diệt tội. Sám là trọn đời không phạm. Hối là biết được lỗi trước. Kinh Phổ Hiền Bồ-tát nói: “Những điều nên hối cải thì phải hối cãi, những sai phạm nên thừa nhận thì phải thừa nhận”.
Tại sao phải sám hối?
Bất kỳ ai cũng đều có tạo nghiệp. Như bài sám hối trong Đại Bi Sám Pháp trên đây có ghi: “Đệ tử và tất cả chúng sinh, hiện tiền ngay nơi đây đều có thần thông và trí tuệ, trên sánh tâm Phật, dưới đồng muôn loài. Nhưng bởi từ vô thỉ đến nay, do vô minh điên đảo che mất chân tính nên xúc cảnh hôn mê, hễ vừa khởi tâm liền bị vướng mắc, nên trong pháp bình đẳng, khởi nghĩ mình với người. Do ái kiến làm gốc, thêm thân khẩu làm duyên trong cõi luân hồi, tạo hết thảy tội…”
Bởi do tạo nghiệp nên hình thành ba chướng. Ba chướng đó là nghiệp chướng, phiền não chướng và báo chướng. Ba thứ chướng này khiến cho người ta không thể dấy khởi các pháp thiện trong lòng. Không thể khởi thiện, không thể nghĩ thiện, không thể làm thiện, là pháp ngăn thánh đạo. Người học Phật, nếu không dẹp ba thứ chướng này thì không thể phát tâm bồ-đề, không thể hành pháp giải thoát. Đã vậy, nếu không sớm đoạn trừ thì trái lại, dần dần sẽ bị ba thứ chướng này làm mất đi chút thiện căn của mình trước kia. Lúc bấy giờ dù có học Phật hay là xuất gia hành theo Phật đi nữa cũng không có tiến triển đắc quả lợi ích. Tại sao. Vì “Pháp ta thậm thâm diệu, hay trừ các kết sử, kẻ mê đắm ba cõi, không thể nào hiểu được – Luận Đại Trí Độ” Do các căn không thanh tịnh, vướng mắc các pháp thế gian, mê đắm tài sắc dục lạc, nên đối với diệu lý giải thoát của chư Phật không làm sao hiểu được. Thế nên tuy hình thức là Phật tử nhưng tâm không tương ứng với Phật, cũng giống như người nghèo đi vào kho báu mà trở ra tay không vậy. Pháp của Phật được dụ cho trân bảo. Thế nên, những ai theo Phật, muốn học pháp thượng diệu của Phật, muốn hiểu rõ lời Phật dạy, muốn sâu vào tạng pháp của Phật, muốn ra khỏi ba cõi, muốn phát tâm bồ-đề hành hạnh Bồ-tát, muốn chứng được quả vô thượng bồ-đề thì phải hành pháp sám hối.
Xin nói rõ thêm, hối nghĩa là hối lỗi, khác với truy hối, điệu hối, ác tác. Nó là một trong ngũ cái. Ác tác nghĩa là đối với những hành vi tạo tác mà mình đã tạo, cảm thấy không đúng mà khởi ngược lại hối hận sẽ chướng ngại cho tu định. Về mặt sám hối, có hai cách sám hối của đại thừa và tiểu thừa.
Tiểu thừa sám hối: Đức Phật chế Tỳ-kheo có tội không được che giấu (che giấu sẽ xử phạt nặng thêm) mà phải nên đến trước một thầy Tỳ-kheo khác phơi bày tội lỗi. Phơi bày tội lỗi chính là sám hối. Tùy theo phạm tội nặng hay nhẹ mà y theo luật Phật chế định để sám hối cho đúng pháp, đó chính là nói ra cho người khác biết tội lỗi của mình, nói đây thuộc tội gì, phải chịu xử phạt như thế nào, tất cả được tiến hành y theo luật Tăng.
Tội lỗi vừa sám hối hoặc nhận chịu hình thức xử phạt cũng giống như đổ vật dơ bẩn trong bình ra ngoài nắng rồi rửa sạch vậy, giới thể được thanh tịnh trở lại, không còn có những triền cái nghi hối nữa, sẽ không còn chướng ngại thánh đạo, tiến tu trong Tăng đoàn như buổi ban đầu. Khi có tỳ-kheo phạm giới, Đức Phật dạy người đó hành pháp sám hối và hối lỗi, định kỳ nửa tháng bố-tát một lần, đồng thời chế định ngày sau cùng của mùa an cư là ngày tự tứ.
Pháp sám hối của hàng Tiểu thừa cần có đủ 5 pháp: Thứ nhất là Trịch áo bày vai phải, có nghĩa là để tiện cho việc thưa thỉnh. Thứ hai là gối phải chấm đất, biểu thị cho sự hăng hái khẩn thiết. Thứ ba là chắp tay, biểu thị thành tâm, không tán loạn. Thứ tư là thuật lại tội danh, nói đó là tội Ba-la-di hay là Tăng tàn v.v…phơi bày ra hết không được che giấu. Thứ năm là lễ chân, là biểu thị sự khiêm hạ chí kính.
Đại thừa sám hối: Theo tổ Trí Giả, người đã chứng đắc được Pháp Hoa tam-muội và cũng là người chuyên soạn pháp sám hối dựa vào “Kinh Quán Phổ Hiền Hành Pháp” và các Kinh điển phương đẳng đại thừa khác, sám hối đại thừa phải có đủ mười pháp: Một là tin rõ nhân quả. Hai là sanh cực sợ hãi. Ba là khởi lòng hổ thẹn vô cùng. Bốn là phơi bày các tội đã tạo trước đây. Năm là tìm cầu phương pháp diệt tội (Hành theo cách sám hối của các Kinh phương đẳng). Sáu là đoạn cái tâm cứ mãi tạo tội. Bảy là khởi tâm hộ trì Phật pháp. Tám là phát tâm bồ-đề thề nguyện độ tất cả chúng sanh. Chín là thường nhớ nghĩ đến mười phương chư Phật. Mười là quán tội tánh vốn không.