Sau hơn một tuần lễ ghé thăm và bái phỏng nhiều khu di tích đền chùa, đội ngũ Thư Viện An Vi đã có mặt tại điểm đến cuối cùng của chuyến công tác lần này: Chùa Hói (Linh Ứng Tự) – ngôi chùa nằm kế bên đình cổ được xây dựng từ thời vua Lê Cảnh Hưng, tọa lạc tại làng Cao Dương, thị trấn Gia Lộc, Hải Dương. Chuyến đi này của chúng tôi may mắn và vinh hạnh có sự góp mặt của Thượng Tọa Thích Tâm Hiệp, Thượng Tọa Thích Thanh Phương (lần 2) cùng Cư sĩ Nguyễn Văn Quyền, Cư sĩ Nguyễn Đình Hào (lần 1) cố vấn đồng hành.
Tại chùa Hói, đoàn được chư tăng hỗ trợ nhiệt tình, cảm động nhất là tấm chân tình của thầy Trụ Trì – Đại Đức Thích Giác Thành. Khi biết được mục đích chuyến đi lần này của chúng tôi nhằm xin phép thống kê, lưu trữ tư liệu, số hóa và ấn tống kinh sách cổ đang tàng bản tại các đền chùa Việt Nam, Thầy cảm khái không thôi, đích thân đưa chúng tôi tới nơi lưu trữ kinh sách, tự mình giới thiệu từng bộ kinh quý, từng món đồ cổ.
Chùa Hói hiện đang lưu trữ và bảo quản hơn 500 quyển kinh sách – Thành quả gần 30 năm dày công sưu tầm của Đại Đức Thích Giác Thành, trong đó có nhiều bộ kinh quý như kinh Đại tạng, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Kim Cương, kinh Pháp Hoa,… có những quyển kinh niên đại lên đến hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn, lại có những cuốn thư tịch vì thời gian mài mòn mà hư hại không ít.
Trước đó đoàn công tác chúng tôi từng ghé thăm không ít đền chùa và khu di tích để hỏi thăm về tàng bản kinh sách cổ, cũng từng nhận được nhiều câu trả lời đầy tiếc nuối: “Chúng tôi không còn giữ sách cổ nữa vì sau thời gian dài bị mủn, hư hỏng hết rồi”.
Thực tế chứng minh, sách giấy là những sản phẩm vật chất rất dễ bị xâm hại và hư hỏng, cho dù được làm từ bất kỳ chất liệu gì và được bảo quản kỹ đến đâu thì các yếu tố khách quan như ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm, sự xâm nhập của côn trùng, nấm mốc, thảm hoạ tự nhiên, các tác nhân hoá học,… đều có thể gây ra gây hư hại, nếu chỉ dừng lại ở việc bảo quản, e rằng nhiều bộ kinh sách quý sẽ bị mai một theo thời gian.
Với mong muốn góp phần bảo quản, lưu giữ các bản kinh Phật cổ và những cuốn sách quý, đội công tác Thư viện An Vi đã có mặt tại chùa Hói xin được sao chụp số hóa một phần số kinh sách này nhằm công bố rộng rãi những bộ sách ý nghĩa đến với quảng đại bạn đọc.
Các cuốn kinh sách cổ tiêu biểu đang lưu trữ tại chùa Hói nói chung đều được sao chụp một cách thận trọng, đầy đủ. Sau khi sử dụng các phương pháp nghiệp vụ để số hóa, đoàn sẽ tu bổ lại sách theo khả năng của Thư Viện An Vi, ấn tống trên nền giấy xuyến (Tuyên chỉ) hoặc giấy dó truyền thống, đóng bìa cậy, quét nâu cạnh sách sao cho gần giống với hình thức nguyên bản nhất.
Trên thực tế, hiện nay cùng một tựa sách chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều ấn bản: sách dịch nghĩa, sách phiên âm theo lối văn vần, văn xuôi, sách được chép tay, đánh máy lại,.. ai cũng có thể đọc được, tại sao Thư Viện An Vi lại chọn ấn tống nguyên gốc kinh sách cổ – những cuốn thư tịch đa phần được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, mất rất nhiều công sức để sưu tầm đầy đủ nội dung, số hóa và ấn tống trên giấy cổ nhưng không phải ai cũng có thể đọc hiểu?
Trước hết, sách được chép tay, đánh máy, phiên âm và dịch lại có thể sẽ phát sinh những sai sót nhất định do sách gốc bị hư hại trong quá trình truyền thừa và sự hiểu biết về chữ cổ không đầy đủ của người sao dịch sách, làm mất đi phần nào vẻ đẹp và ý nghĩa của những áng văn hay, những lời thuyết pháp. Mặt khác, với chúng tôi, giá trị một cuốn sách không chỉ nằm ở nội dung. Đọc một cuốn sách, cảm nhận từng nét khắc tỉ mỉ, thận trọng trên ván gỗ, lại lật từng trang giấy mới biết được người nghệ nhân khắc mộc, làm giấy thủ công có bao nhiêu tinh tế và khéo léo; mới biết cổ nhân đã tốn bao nhiêu trí lực để lưu truyền kinh sách đến với đời sau, mới thấy hết được ký ức lịch sử, dòng chảy thời gian và sự truyền thừa văn hóa trên những cuốn kinh thư hàng trăm năm tuổi.
Cũng chính vì ý nghĩa lớn lao đó, chúng tôi gọi những chuyến đi như thế này là hành trình về cội – nơi những người trẻ ngược dòng thời gian tìm về với văn hóa nguồn của dân tộc, tuy có khó khăn nhưng đầy tự hào.
May mắn thay, trên con đường này chúng tôi không độc hành. Thư viện An Vi xin thành tâm gửi lời cảm tạ đặc biệt đến: Đại đức Thích Giác Thành – Trụ trì chùa Hói, Thượng Tọa Thích Tâm Hiệp, Thượng Tọa Thích Thanh Phương, Cư sĩ Nguyễn Văn Quyền và Cư sĩ Nguyễn Đình Hào đã tạo điều kiện tốt nhất, luôn đồng hành và hỗ trợ đội ngũ An Vi rất nhiều trong công tác ảnh ấn kinh sách và xây dựng kho tư liệu Hán Nôm cổ.
Đồng thời xin cảm ơn đến rất nhiều những Quý Thầy đã và đang hết lòng tôn kính gìn giữ kinh thư. Sưu tầm sách, bỏ kinh phí, bỏ thời gian và tiêu hao cả tâm trí, nhưng “quý vật” phải có “quý nhân”, nếu không gặp được đúng người, những cuốn sách già hơn bất kỳ ai trên cõi đời này sẽ lâm cảnh tàn phế, hư hại và biến mất vĩnh viễn.
Chúng tôi xin mạn phép gọi họ là những người “giữ đuốc”. Kinh sách ghi lại những lời thuyết dạy quý báu của Đức Phật, là một Pháp báu trong Ba Ngôi báu: Phật – Pháp – Tăng, dạy cho chúng ta cách nhận thức đúng đắn để hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Vì lẽ đó, kinh sách như ánh sáng soi đường chỉ lối, để Chư vị tu Đạo, tu Pháp biết đúng mà tiến tới, biết sai để quay đầu – mà những người “giữ đuốc” chính là quý nhân dùng tâm niệm cả đời người để giữ cho ánh sáng dẫn đường ấy mãi không lụi tàn.
Thông qua việc phục sao và ấn tống Kinh sách cổ, Thư Viện An Vi mong muốn được đứng trong hàng ngũ những người “truyền lửa”, góp một phần tâm và lực để món Pháp Báu này được tồn tại và truyền thừa cho nhiều đời hậu thế, để Quý Thầy, Quý Đạo hữu được tiếp cận với nguồn thư tịch chính thống, ngày càng tinh tiến trên con đường hành trì tu học.
Xem thêm:
- Danh sách tư liệu do Thầy Thích Giác Thành cung cấp mà Thư viện An Vi đã ảnh ấn: https://thuvienanvi.com/spt/thay-thich-giac-thanh/
- Toàn bộ tư liệu đang ảnh ấn của Thư viện An Vi: https://thuvienanvi.com/spc/sach-quy/
- Dự án Tu bổ, bảo quản, biên mục, số hóa tư liệu Hán Nôm: https://thuvienanvi.com/gioi-thieu/